Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chi tiết
Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là gì và những quy định có liên quan đến loại giấy tờ này trong luật giao thông đường bộ hiện nay của Việt Nam là điều mà nhiều người có nhu cầu kinh doanh vận tải đang thắc mắc và trăn trở. Kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở khách bằng xe ô tô là một thị trường đang rất phát triển ở Việt Nam, do đó, có nhiều công ty, cá nhân, hợp tác xã muốn tham gia vào ngành nghề này.
Các bạn hãy cùng VRC tìm hiểu về các loại giấy phép kinh doanh vận tải cần thiết khi muốn tham gia vận chuyển hàng bằng ô tô trong bài viết dưới đây nhé.

Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là gì?
Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một loại giấy phép kinh doanh do Sở giao thông vận tải cấp tỉnh, thành phố cấp cho tổ chức có nhu cầu sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa và hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lời. Để có thể tiến hành kinh doanh vận chuyển người và hàng ở Việt Nam, chủ đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo tất cả điều kiện và làm đầy đủ thủ tục xin giấy phép.
Một bản giấy phép cho phép kinh doanh vận tải có giá trị trong 7 năm, được phép gia hạn, xin cấp lại trong các trường hợp hết hạn, bị mất, bị hỏng hoặc có sự thay đổi trong nội dung. Các thông tin chính của giấy phép hợp lệ bao gồm:
- Tên và địa chỉ đăng ký kinh doanh của cơ sở kinh doanh vận tải
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với đầy đủ số hiệu, ngày tháng năm cấp phép và cơ quan cấp
- Người đại diện hợp pháp của cơ sở kinh doanh
- Các hình thức kinh doanh vận tải được đăng ký
- Thời gian có hiệu lực của giấy phép
- Cơ quan cấp phép
Vì sao phải xin giấy phép kinh doanh vận tải?
Hiện nay, nền kinh tế ngày càng phát triển, tạo nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách từ nơi này đến nơi khác tăng cao. Dịch vụ kinh doanh vận tải ngày càng trở nên phổ biến và đang là một trong những ngành nghề được nhà nước chú trọng và ưu tiên phát triển nhất hiện nay. Để có thể thuận tiện cho việc quản lý và đảm bảo an ninh trật tự, các cơ quan nhà nước đã có rất nhiều văn bản và quy định pháp luật có liên quan.
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải mà không có giấy phép sẽ bị xử phạt mức phạt khá cao và lập biên bản đối với hoạt động kinh doanh. Theo khoản 2 điều 24, nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính khi tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì mức phạt tùy theo mức độ vi phạm là 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng trên mỗi lần vi phạm.

Do đó, để đảm bảo không bị phạt gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như tình hình kinh doanh của công ty, các bạn nên đảm bảo chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp trước khi bắt đầu dịch vụ kinh doanh vận tải nhé.
Các đối tượng cần xin giấy phép
Không phải doanh nghiệp nào cũng cần xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chỉ có một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, hộ kinh doanh vận tải thuộc các lĩnh vực sau:
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus
- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
- Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Điều kiện để có thể xin giấy phép kinh doanh vận tải
Để có thể xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các bạn cần đảm bảo doanh nghiệp mình có thể đáp ứng được các quy định trong nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:
Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật
- Trường hợp phương tiện vận tải đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã thì phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã
- Phương tiện vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định
Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe ô tô
- Các quy định tương tự với doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
- Phương tiện phải đảm bảo về sức chứa và niên hạn theo quy định của pháp luật

Trình tự thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải
Để có thể xin được giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã vận tải cần chuẩn bị thật cẩn thận và đầy đủ giấy tờ để đảm bảo không bị sai sót hoặc có rủi ro xảy ra. Việc không có giấy phép ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình kinh doanh nên các bạn cần chú ý chuẩn bị thật chi tiết nhé. Các bạn có thể cùng tham khảo một số thông tin về trình tự thủ tục xin giấy phép cùng với VRC dưới đây nhé.
Bộ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải gồm những gì?
Mỗi một nhóm đối tượng xin giấy phép thì cần có những loại giấy tờ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Các bạn hãy chú ý xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào để chuẩn bị bộ hồ sơ, tránh chuẩn bị sai sót và nhầm lẫn.
Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Bản sao hợp lệ của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đỗ xe hoặc hợp đồng thuê đất đỗ xe
- Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải
- Phương án kinh doanh
- Danh sách xe kèm theo bản photo giấy đăng ký xe, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
- Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, hồ sơ đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải, hợp đồng và bản nghiệm thu thiết bị giám sát hành trình đối với doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe bus, xe taxi và xe container
Đối với hộ kinh doanh vận tải
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đỗ xe hoặc hợp đồng thuê đất đỗ xe
- Danh sách xe kèm theo bản photo đăng ký xe và chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường
- Bản nghiệm thu thiết bị giám sát hành trình.

Đăng ký xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ở đâu?
Để có thể đăng ký xin giấy phép, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã vận tải cần nộp đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép đến sở giao thông vận tải ở nơi đăng ký kinh doanh. Cơ quan này là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp phép và kiểm tra giấy phép kinh doanh vận tải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách hiện nay.
Quy trình xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ cần thiết, các bạn hãy chú ý đến trình tự cấp giấy phép kinh doanh vận tải hiện nay nhé.
- Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải đến sở giao thông vận tải nơi đăng ký kinh doanh
- Nếu hồ sơ cần sửa đổi bổ sung, cơ quan cấp phép sẽ thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản chi tiết các nội dung cần sửa đổi trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ
- Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở giao thông vận tải tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Trong trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, sở giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do
Để gia hạn giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần làm gì?
Giấy phép kinh doanh vận tải thường có thời hạn trong vòng 7 năm. Sau khi hết hạn, các doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh cần phải xin cấp lại giấy phép. Thủ tục để gia hạn hoặc xin cấp lại giấy phép tương tự với thủ tục xin cấp lần đầu, đơn vị vận tải cần chuẩn bị một số công việc như sau:
- Chuẩn bị bộ hồ sơ gia hạn giấy phép: Tất cả thông tin, giấy tờ cần thiết đều tương tự như hồ sơ xin giấy phép lần đầu, chỉ thay đơn xin cấp giấy phép bằng đơn xin gia hạn giấy phép
- Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến sở giao thông vận tải nơi sở tại
- Điều chỉnh, bổ sung thông tin theo yêu cầu
- Nhận kết quả gia hạn giấy phép.

Quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Bên cạnh việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các cơ quan quản lý nhà nước cũng hoàn toàn có thể thu hồi giấy phép tạm thời hoặc không thời hạn nếu doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh vi phạm.
Trường hợp thu hồi vô thời hạn
Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép vô thời hạn không được phép xin cấp lại giấy phép cũng như tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải dưới bất cứ hình thức nào.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ
- Không kinh doanh vận tải trong 06 tháng từ ngày được cấp giấy phép
- Ngừng kinh doanh vận tải trong 06 tháng liên tục
- Kinh doanh loại hình vận tải không đúng trong giấy phép
- Đã bị thu hồi giấy phép có thời hạn nhưng khi hết thời hạn thu hồi vẫn không khắc phục được vi phạm
- Trong 01 năm có 02 lần bị thu hồi giấy phép có thời hạn
- Trong thời gian sử dụng có 03 lần bị thu hồi giấy phép có thời hạn
- Phá sản, giải thể
- Trong 01 năm có trên 50% số xe hoạt động vi phạm luật giao thông
- Trong thời gian 03 năm có tái phạm về kinh doanh, xảy ra tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Trường hợp thu hồi có thời hạn
Thông thường, mức thời hạn thu hồi là từ 01 đến 03 tháng tùy theo mức độ vi phạm của cơ sở kinh doanh vận tải
- Trong 03 tháng liên tục có trên 20% số phương tiện bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải
- Có trên 20% số xe kinh doanh vi phạm chở quá tải trọng hoặc vi phạm về bảo đảm điều kiện kỹ thuật
- Có trên 10% lái xe kinh doanh vận tải vi phạm bị tước giấy phép lái xe có thời hạn
- Có trên 10% số lượng xe hoạt động gây ra tai nạn giao thông có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
- Vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh gây tai nạn có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Tất cả giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có thể bị thu hồi bởi sở giao thông vận tải nơi cấp giấy phép và đồng thời báo cáo lên tổng cục đường bộ và các cơ quan khác để phối hợp thực hiện. Đơn vị kinh doanh khi nhận được quyết định thu hồi giấy phép thì cần phải nộp lại giấy phép và phù hiệu, biển hiệu cho sở giao thông vận tải, đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải ngay sau khi quyết định có hiệu lực.